Cuộc bình chọn năm nay được tiến hành từ ngày 01/10/2010 đến hết ngày 31/07/2011. Các ý kiến bình chọn được thực hiện thông qua fax, e-mail, điện thoại, thư tay về Ban Tổ chức và trực tiếp qua website: www.vietnamgolfmagazine.net. Đối tượng bình chọn là những sân golf có từ 18 lỗ trở lên đang hoạt động và các sân golf mới đã khai trương chính thức và đi vào hoạt động trước tháng 10/2010.
Sau khi tổng hợp dữ liệu các phiếu bình chọn của độc giả gửi về, Ban Tổ chức đã phối hợp với các sân golf tổ chức những chuyến khảo sát thực tế cho các chuyên gia đến hầu hết các sân golf đang hoạt động tại Việt Nam. Dữ liệu về cuộc bình chọn được báo cáo trước Hội đồng Giám khảo bao gồm 10 thành viên, là đại diện của: Tổng cục Du lịch Việt Nam, Tổng cục Thể dục-Thể thao, Hiệp hội Golf Việt Nam, Hội Golf Hà Nội, Hội Golf Sài Gòn, Tạp chí Golf Việt Nam, chuyên gia golf quốc tế… để đưa ra quyết định cuối cùng về các danh hiệu được bình chọn.
Theo thống kê của Ban Tổ chức, trong vòng 10 tháng thực hiện, đã có tới trên 756 ngàn lượt người tham gia bình chọn, phần lớn bỏ phiếu qua website của Tạp chí (chiếm 95% ý kiến) để chọn ra những sân golf xứng đáng cho danh hiệu cao quí nhất: “Sân golf Tốt nhất Việt Nam 2010-2011” và 12 danh hiệu khác.
Lễ công bố Kết quả bình chọn và Trao giải “Sân golf Tốt nhất Việt Nam 2010-2011” diễn ra vào ngày 05/10/2011 tại Khách sạn Movenpick Hà Nội, 83 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Theo đó, kết quả chính thức của cuộc bình chọn như sau:
* Giải thưởng chính: “Sân golf Tốt nhất Việt Nam: The Montgomerie Links.
* Sân Golf mới Tốt nhất và sân golf có Nhà Câu lạc bộ đẹp nhất: Sân golf Đà Nẵng
Ngoài ra Ban Tổ chức còn trao 11 danh hiệu khác, bao gồm:
* Sân Golf có Dịch vụ Tốt nhất Việt Nam: Thủ Đức
* Sân Golf có Trải nghiệm chơi golf Tốt nhất và có cảnh quan thiên nhiên đẹp nhất: Đà Lạt
* Sân Golf có Thiết kế độc đáo nhất Việt Nam: Sông Bé (sân Sa mạc)
* Sân Golf Thách thức nhất Việt Nam: Sea Links
* Sân Golf có Caddie Tốt nhất Việt Nam: Đồng Mô
* Sân Golf Mới Triển vọng nhất: Sông Giá
* Sân Golf có Par 3 Đẹp nhất: Phan Thiết (lỗ golf số 9)
* Sân Golf có Par 4: Tam Đảo (lỗ golf sô 5)
* Sân Golf có Par 5 Đẹp nhất: Twin Doves (lỗ golf số 2), Đồ Sơn Seaside Golf Resort (lỗ golf 18)
Ông Đoàn Mạnh Giao, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cho biết: “Nhìn chung, các sân golf đều đáp ứng rất tích cực với cuộc Bình chọn, và đây là dịp để họ được biết những điểm mạnh và yếu của mình. Mỗi sân golf đều mang vẻ đẹp và sự thách thức khác nhau, tác động đến cảm xúc của người chơi một cách khác nhau. Tuy nhiên, cùng với sự tham gia của chuyên gia nước ngoài, Ban giám khảo đã có những buổi làm việc mang tính chuyên môn cao và khách quan trong những nhận xét đánh giá của mình”.
Ông David Townend, Giám đốc Tập đoàn Tư vấn và quản lý sân golf Troon Golf, chuyên gia cao cấp về golf với 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý sân golf, thành viên Hội đồng Giám khảo, nhận xét: “Tất cả những sân chúng tôi đến thăm đều có những điểm tốt, đồng thời cũng có nhiều chỗ cần cải thiện để hội viên và khách chơi của họ có được trải nghiệm tốt hơn. Chúng ta cần làm cho những người liên quan hiểu được tầm quan trọng của golf rằng đó là một ngành công nghiệp không khói và để cho môn thể thao này trở lên dễ tiếp cận hơn đối với lớp trẻ.
Môn thể thao này đang phát triển tại Việt Nam, tuy nhiên các sân golf tại Việt Nam cần phải thu hút một lượng lớn khách du lịch chơi golf từ nước ngoài để có thể hoạt động hiệu quả. Một sân golf không khác gì một khách sạn 4 hay 5 sao mà tại đó, khách hàng sẽ cảm nhận được rằng, họ được chào đón, được chăm sóc, cơ sở hạ tầng hoạt động tốt, chất lượng thức ăn và đồ uống khiến bạn hài lòng và muốn quay trở lại. Hệ thống sân golf chắc chắn chưa phát triển bằng hệ thống khách sạn và đó là điều mà tôi muốn nhìn thấy sự thay đổi vì cạnh tranh sẽ làm cho dịch vụ trở nên tốt hơn và người hưởng lợi cuối cùng chính là các golfer.”
“Chính phủ Việt Nam đã đề ra một chính sách phát triển golf rõ ràng nhất trong số các quốc gia châu Á, khi công bố đến năm 2020 sẽ có 90 sân golf. Để có thể thực hiện được kế hoạch này, Việt Nam cần xem xét có chính sách đặc biệt như miễn giảm thuế đối với dự án xây dựng và hoạt động của sân và miễn giảm thuế nhập khẩu máy móc thiết bị. Việt Nam là một đất nước tươi đẹp và chắc chắn có thể trở thành một điểm đến hàng đầu tại châu Á, nhưng việc phát triển bền vững các sân golf cần diễn ra theo một lộ trình thích hợp để đảm bảo rằng các sân golf được thiết kế, bảo dưỡng và quản lý theo tiêu chuẩn cao nhất”, ông David Townend chia sẻ.
Tạp chí Golf Việt Nam rất vinh dự và được khích lệ bởi sự ủng hộ của Tổng cục Du lịch, Tổng cục Thể dục-Thể thao, cũng như Hiệp hội Golf Việt Nam để cùng tổ chức sự kiện ý nghĩa này. Tạp chí Golf Việt Nam xin chân thành cảm ơn các độc giả, các nhà tài trợ, các đơn vị đồng tổ chức, các cơ quan báo đài đã quan tâm, phối hợp, tham gia tài trợ, bảo trợ thông tin cho sự kiện.
* Tiêu chí bình chọn
Phần lớn ý kiến của độc giả cũng như các chuyên gia về golf đều cho rằng, tiêu chí đánh giá cho danh hiệu “Sân golf Tốt nhất Việt Nam 2010-2011” cần dựa trên những trải nghiệm chơi golf trên sân mang lại cho bạn một sự hài lòng về mọi mặt. Có thể đó là sân golf mà bạn sẽ ao ước chơi trong suốt cuộc đời còn lại của mình khi ở Việt Nam. Các tiêu chí đánh giá bao gồm:
- Các yếu tố mang tính ổn định: Vẻ đẹp cảnh quan, thiết kế của sân, tính thách thức, những lỗ golf độc đáo, ấn tượng, môi trường thiên nhiên, khí hậu …
- Các yếu tố biến đổi: Thái độ tiếp đón, phục vụ, phòng thay đồ, phòng tắm, chất lượng F&B, tình trạng quản lý chung: sự tiện lợi, nhanh chóng trong các thủ tục, giải quyết tình huống, hỗ trợ kịp thời, tình trạng bảo dưỡng sân, tính thân thiện với môi trường, chất lượng caddie, những đóng góp cho phong trào golf và xã hội…
|