10. Andy Roddick - Roger Federer 7-6 (4), 1-6, 6-4 (Vòng 3 Miami Masters)
Cho đến khi tuyên bố giải nghệ sau US Open, tay vợt “khắc tinh” của Andy Roddick không ai khác mà chính là Roger Federer. Trong 24 lần gặp nhau suốt 11 năm trời, Roddick thua tới 21 trận và có tới 4 trận chung kết Grand Slam (3 ở Wimbledon và 1 ở US Open). Và không ai quên tại Wimbledon 2009, Roddick đã chơi một trong những trận đấu hay nhất khi gặp FedEx, trải qua trận đấu kéo dài trong 5 set và Federer chỉ thắng ở vài điểm số quyết định (5-7, 7-6(6), 7-6(5), 3-6, 16-14) trong lần cuối cùng Roddick có mặt ở trận chung kết Grand Slam. Nhưng có lẽ Roddick cũng có thể hài lòng bởi trước khi kết thúc sự nghiệp, tay vợt người Mỹ đã thắng thuyết phục Federer tại vòng 3 Miami Masters 2012.
|
Trước khi giải nghệ, Roddick có trận thắng thứ 3 trước Federer |
Lúc ấy không ai tin Roddick sẽ làm nên chuyện khi mà cựu số 1 thế giới đang sa sút và rơi xuống thứ 34 thế giới, còn Federer lại đang hồi sinh với 16 trận thắng liên tiếp để đoạt 3 danh hiệu tại Rotterdam, Dubai và Indian Well Masters. Khi đó tính từ US Open 2011, Federer cũng có thành tích 40 trận thắng – 2 trận thua và rõ ràng với những thống kê ấy, FedEx được đánh giá cao hơn hẳn Roddick. Nhưng Roddick đã chơi một trận mà đúng như Roddick nói sau trận đấu: “Không ai biết điều gì đã xảy ra một khi trận đấu chưa kết thúc.” Thắng Federer sau loạt tie-break đầu tiên và thua chóng vánh 1-6 trong set hai, Roddick đã thể hiện tất cả những gì tốt nhất của mình trong set 3 để thắng 6-4 và vượt qua Federer trong sự phấn khích của những CĐV chủ nhà. Đó cũng là trận đấu kết thúc chuỗi 77 trận thắng liên tiếp của Federer khi gặp những tay vợt nằm ngoài tốp 30 thế giới và Roddick cũng khiến nhiều người phải tiếc nuối khi giải nghệ ở tuổi 30.
9. Guillermo Garcia-Lopez - Juan Monaco 3-6, 1-6, 6-4, 7-6(6), 7-6(3) (Vòng 1 US Open)
Juan Monaco đã có mùa giải thành công nhất trong sự nghiệp khi giành tới 4 danh hiệu ATP 250, thậm chí tay vợt người Argentina còn lần đầu tiên lọt vào tốp 10 thế giới với vị trí thứ 10 và kết thúc năm 2012 với thứ hạng 12. Nhưng tay vợt sinh năm 1984 cũng có lúc phải trải qua những trận đấu cay đắng mà vòng 1 US Open là một ví dụ. Khó tin ở thời điểm có phong độ cao thì Monaco lại để thua tay vợt số 68 thế giới như Guillermo Garcia-Lopez ngay ở trận ra quân tại giải Grand Slam cuối cùng trong năm. Trước khi gặp Monaco, thành tích trong mùa giải của tay vợt người Tây Ban Nha là khá khiêm tốn trong những giải đấu ở sân cứng với 9 trận thắng – 9 trận thua từ đầu mùa. Và khi Monaco dẫn trước 6-3, 6-1, và 4-1 trong set 3 thì nhiều người đã nghĩ tới một trận thắng dễ dàng cho tay vợt được đánh giá cao hơn.
|
Màn lội ngược dòng ngoạn mục của Garcia-Lopez |
Nhưng thật kỳ lạ, trong tình thế tưởng như cầm chắc phần thua thì Garcia-Lopez lại chơi như “lên đồng”, thắng liên tiếp 5 game trong set 3 để đưa trận đấu đến set 4. Và cứ như thế, tay vợt 29 tuổi lật ngược thế cờ thắng cả 2 loạt tie-break trong hai set còn lại để giành chiến thắng sau 4 giờ 31 phút.
8. Ernests Gulbis - Tomas Berdych 7-6(5), 7-6(4), 7-6(4) (Vòng 1 Wimbledon)
Ernests Gulbis là một tay vợt “lãng tử” khi chơi tennis theo… cảm hứng là chính. Trong một ngày thi đấu chói sáng, Gulbis có thể thắng bất kỳ tay vợt nào, ngay cả đó có là Roger Federer, giống như chiến thắng ấn tượng ở vòng 2 Rome Masters 2010 (Gulbis thắng 2-6, 6-1, 7-5), nhưng ở trận đấu khác với tay vợt được đánh giá yếu hơn nhiều thì Gulbis lại có thể thua chóng vánh. Dù vậy trận đấu với Tomas Berdych ở vòng 1 Wimbledon 2012 lại rơi đúng vào ngày hưng phấn nhất của tay vợt người Latvia.
|
Gulbis thi thoảng có những trận đấu xuất thần |
Trong 2 giờ 37 phút, Gulbis tung ra tới 62 điểm winner, trong đó có tới 30 cú ace, tỷ lệ ăn điểm giao bóng 1 tới 84% và mắc 33 lỗi đánh hỏng để giành chiến thắng trong cả 3 set đều cần tới loạt tie-break. Đó là lần đầu tiên Berdych, á quân Wimbledon 2010, bị loại tại vòng 1 giải Grand Slam trên sân cỏ tính từ khi thi đấu ở đây vào năm 2004. Ngay sau chiến thắng vang dội ấy, Gulbis lại để thua ở vòng 2 Wimbledon 2012 trước Jerzy Janowicz, tay vợt người Ba Lan là hiện tượng ở cuối mùa giải, sau 5 set đầy kịch tính 6-2, 4-6, 6-3, (2)6-7, 7-9.
7. Brian Baker - Gael Monfils, 6-3, 7-6(9) (Vòng 2 giải Nice Open)
Nếu có câu chuyện thần tiên nào về ý chí và nghị lực vượt qua khó khăn thì đó là của Brian Baker. Tay vợt từng được coi là tương lai của quần vợt Mỹ phải trải qua hàng loạt những chấn thương khác nhau và không ít hơn 5 lần phải lên bàn phẫu thuật trong 6 năm qua nhưng đã không đầu hàng số phận. Baker trở lại với tennis và từng bước vươn lên trên BXH ATP để cuối cùng kết thúc năm 2012 với vị trí 61 thế giới. Chiến thắng trước Monfils, tay vợt người Pháp là số 13 thế giới khi thi đấu ở giải Nice là một trận đấu đáng nhớ của Baker.
|
Brian Baker từng mất vài năm sự nghiệp chỉ vì chấn thương |
Khi ấy tay vợt 27 tuổi đứng tận thứ 216 thế giới đã phải trải qua 3 trận đấu ở vòng loại và đã có trận đấu ở vòng 1 xuất sắc trước tay vợt người Ukraine Sergiy Stakhovsky tưởng như khó có cửa thắng trước Monfils, người đang nằm trong tốp đầu thế giới và là tay vợt nước chủ nhà. Nhưng chỉ mất 92 phút, Baker đã đi tới trận tứ kết một giải ATP đầu tiên trong sự nghiệp. Ở giải đấu này, Baker còn có mặt trong trận chung kết và chỉ chịu thua Nicolas Almagro của Tây Ban Nha sau 2 set 3–6, 2–6, nhờ đó mà tay vợt người Mỹ đã nhảy vọt từ thứ 216 lên số 141 thế giới.
6. Jonathan Marray/Frederik Nielsen - Bob Bryan/Mike Bryan 6-4, 7-6(9), (4)6-7, 7-6(5) (Bán kết Wimbledon)
“Quái vật hai đầu” nhà Bryan đã quá nổi tiếng với những chiến tích vượt qua những huyền thoại trong quá khứ, còn Marray và Nielsen chỉ là những tay vợt vô danh trong làng banh nỉ. Điều đó lại càng khiến cho trận thắng trước anh em nhà Bryan ở bán kết Wimbledon của Marray và Nielsen trở thành câu chuyện cổ tích. Trước khi tham dự Wimbledon, tay vợt người Anh Marray dự định đánh cặp với Adil Shamasdin nhưng lại trục trặc về thời gian và bất đắc dĩ phải kết hợp với Nielsen, người cũng đang “lẻ bóng một mình”. Nhưng thật bất ngờ khi sự kết hợp như trời định ấy lại tạo nên những điều vĩ đại.
|
Cặp đôi đầy duyên phận Marray và Nielsen |
Đi một mạch tới trận bán kết, Marray và Nielsen đã tạo nên một trong những trận thắng gây sốc nhất khi hạ gục cặp đôi nhà Bryan chỉ sau 4 set đấu. Chưa hết, ở trận chung kết, cặp đôi hạt giống số 5 Robert Lindstedt và Horia Tecau cũng không thể cản bước Marray và Nielsen giành thắng lợi 4–6, 6–4, 7–6(5), (5)6–7, 6–3, trở thành đôi vợt đầu tiên trong lịch sử vô địch Wimbledon với suất wild-card. Không phải Andy Murray, tay vợt số 1 của Vương quốc Anh, mà Marray mới là tay vợt đầu tiên của xứ sở sương mù giành Grand Slam từ năm 1936 tính cả ở nội dung đơn nam và đôi nam.