5. Tommy Haas - Roger Federer 7-6(5), 6-4 (CK ATP 250 Gerry Weber Open)
Thành phố Halle đã đặt tên con đường dẫn tới sân trung tâm của giải Gerry Weber Open mang tên Roger-Federer-Allee để vinh danh tay vợt từng 5 lần vô địch giải đấu trong quá khứ. Và như để cảm ơn tấm thịnh tình của người hâm mộ nước Đức, Federer đã thi đấu với tất cả sự quyết tâm để lần thứ 7 đi tới trận chung kết và đối mặt với tay vợt của nước chủ nhà Tommy Haas, người lần thứ 12 trong sự nghiệp có mặt ở giải đấu kể từ lần đầu tiên vào năm 1997. Haas không phải là cái tên xa lạ khi tay vợt sinh năm 1978 từng là tay vợt số 2 thế giới vào năm 2002 và chức vô địch gần nhất của Haas cũng tại Halle vào năm 2009.
|
Chiến thắng của tay vợt 34 tuổi Haas trước Federer trên mặt sân cỏ ở Halle |
Nhưng những năm sau đó là quãng thời gian kinh khủng của Haas với những chấn thương dai dẳng và đỉnh điểm là 14 tháng không thi đấu từ 2/2010 đến 5/2011 sau ca phẫu thuật hông. Đầu năm 2012, Haas còn nằm ngoài tốp 200 và phải tham dự những giải Challenger Tour để tích lũy dần điểm số để đến Halle với vị trí số 87. Ngay cả khi Haas vượt qua số 7 thế giới Tomas Berdych và ĐKVĐ Philipp Kohlschreiber để có mặt ở trận chung kết thì ít ai tin tay vợt 34 tuổi có thể làm được gì chắc Federer luôn chơi tuyệt hay trên mặt sân cỏ. Trong 10 năm kể từ Australian Open 2002 (Haas thắng 7-6(3), 4-6, 3-6, 6-4, 8-6) và trận thắng đáng nhớ ở Olympic 2000 (6-3, 6-2), Haas thua Federer 9 trận liên tiếp và chính Haas cũng thừa nhận: “Nếu ai nói tôi sẽ đánh bại Federer, tôi sẽ nghĩ họ bị điên.” Nhưng đúng là trong một trận đấu “điên rồ”, Haas đã hồi sinh như thể trở lại chục năm trước để hạ gục Federer trong cả hai set đấu và giành danh hiệu thứ 13 trong sự nghiệp, 3 năm sau danh hiệu gần nhất cũng ở Halle.
4. Sam Querrey - Novak Djokovic 0-6, 7-6(5), 6-4 (Vòng 2 Paris Masters)
Djokovic đã bước ra sân đấu với chiếc mặt nạ Darth Vader, nhân vật trong bộ phim “Chiến tranh giữa các vì sao” để tạo không khí ngày Lễ hội ma Halloween. Nhưng đêm Paris cũng diễn ra như “ma ám” khi Nole sau khi thắng trắng trong set đầu tiên đã để Querrey lật ngược tình thế ở hai set còn lại. Có thể Djokovic bị phân tâm về chuyện người cha vừa phải nhập viện vì lý do sức khỏe hoặc đã quá thoải mái khi chắc chắn kết thúc năm 2012 ở vị trí số 1 thế giới do Federer không dự Paris Masters, nhưng cũng không thể che lấp được chiến thắng ấn tượng của Querrey.
|
Mặt nạ Darth Vader không giúp Djokovic tránh khỏi thất bại |
Tay vợt người Mỹ sau set đầu lúng túng đã tự tin với những cú giao bóng của mình để kéo set 2 tới loạt tie-break và cân bằng tỷ số trận đấu. Chính những cú giao bóng đã giúp Querrey giữ lợi thế trong set 3 để cứu tới 5 điểm break trong game thứ 8 để khiến Djokovic không thể phát huy khả năng trả giao bóng lợi hại của mình. Trận thắng của Querrey đã kết thúc 10 trận thắng liên tiếp của Djokovic và cũng là chiến thắng đầu tiên của tay vợt số 22 thế giới sau 10 lần đối đầu với các tay vợt trong tốp 3.
3. Martin Klizan d. Jo-Wilfried Tsonga 6-4, 1-6, 6-1, 6-3 (Vòng 2 US Open)
Chỉ vài ngày sau khi lần đầu tiên đánh bại một tay vợt trong tốp 50 (thắng Benoit Paire của Pháp tại vòng 1 giải Winston-Salem), tay vợt người Slovakia Martin Klizan đã tạo nên cơn địa chấn khi loại hạt giống số 5 của US Open, Jo-Wilfried Tsonga ngay ở vòng 2. Đó mới chỉ là trận thua đầu tiên của Tsonga khi chưa tới vòng 3 các giải Grand Slam kể từ năm 2007. Tay vợt người Pháp đã thi đấu một trận uể oải và thiếu sinh khí trước sự khéo léo và cách chơi tốc độ của đối thủ. Dù đã thắng lại trong set 2 để cân bằng tỷ số trận đấu nhưng cuối cùng Tsonga cũng là kẻ thất bại.
|
Gương mặt mới của làng banh nỉ năm 2012 Martin Klizan |
Với Klizan, tâm lý chẳng có gì để mất đã là chìa khóa để tay vợt 23 tuổi có thể đánh bại một tay vợt trong tốp 10. Và sự tự tin đã mang lại hiệu ứng cực tốt cho Klizan với danh hiệu ATP đầu tiên trong sự nghiệp ở St Petersburg vào tháng 9. Vị trí thứ 30 trên BXH ATP cuối năm và giải thưởng “Gương mặt mới của mùa giải” dành cho Klizan là món quà xứng đáng cho những nỗ lực của tay vợt người Slovakia.
2. Jerzy Janowicz - Andy Murray 5-7, 7-6(4), 6-2 (Vòng 3 Paris Masters)
Không nhiều người biết đến cái tên Jerzy Janowicz trước khi Paris Masters 2012 diễn ra nhưng mọi thứ đã thay đổi chỉ sau 1 tuần. Chàng trai có chiều cao 2m03 đã trở thành hiện tượng thú vị ở cuối mùa giải khi lần lượt đánh bại 5 tay vợt nằm trong tốp 20 thế giới để có mặt ở trận chung kết. Những tay vợt phải nếm mùi thất bại trước Janowicz có Philipp Kohlschreiber (19), Marin Cilic (15), Andy Murray (3), Janko Tipsarevic (9) và Gilles Simon (20). Trong số đó trận thắng Murray có thể coi là trận đấu đặc biệt nhất, không phải chỉ vì tay vợt người Scotland có thứ hạng cao nhất, mà là cách Janowicz lật ngược thế cờ để có chiến thắng chung cuộc.
Cách đây 3 năm, Janowicz từng gặp Murray ở trận đấu tại Davis Cup khi Ba Lan đối đầu với Vương quốc Anh và khi ấy tay vợt 19 tuổi đã để thua chóng vánh. Nhưng ở Paris Masters, những cú giao bóng nhanh khủng khiếp cùng lối chơi biến hóa của Janowicz đã khiến Murray cũng như những tay vợt khác thật sự bất ngờ. Trong trận đấu ở vòng 3, Murray đã có cơ hội dứt điểm trận đấu sau 2 set ở tỷ số 7-5, 5-4 và cầm giao bóng để có match-point. Nhưng Janowicz đã vượt qua thời khắc khó khăn bằng những cú đánh tự tin đến ngạc nhiên để giành lại break và sau đó thắng ở loạt tie-break trước khi hoàn toàn áp đảo Murray trong set thứ 3. Dù không thể làm nên điều kỳ diệu khi thua tay vợt số 5 thế giới David Ferrer trong trận chung kết nhưng với những gì đã thể hiện, Janowicz bây giờ đã có vị trí thứ 26 thế giới và trở thành một ngôi sao trong làng banh nỉ chỉ sau một giải đấu.
1. Lukas Rosol - Rafael Nadal (9)6-7, 6-4, 6-4, 2-6, 6-4 (Vòng 2 Wimbledon)
Wimbledon luôn là giải đấu tiềm ẩn những cú sốc cực lớn. Năm 1987, tay vợt hai lần vô địch Wimbledon Boris Becker thua tay vợt vô danh người Australia Peter Doohan sau 4 set (6-7, 6-4, 2-6, 4-6). Năm 2002 tay vợt số 145 thế giới George Bastl còn hạ gục huyền thoại từng 7 lần vô địch Wimbledon Pete Sampras trên sân số 2 “mồ chôn những nhà vô địch” (6-3, 6-2, 4-6, 3-6, 6-4). Một năm sau, Lleyton Hewitt trở thành tay vợt đầu tiên trong kỷ nguyên Mở đang là ĐKVĐ nhưng bị loại ngay ở vòng 1 tại giải Grand Slam sau khi thua “gã khổng lồ” Ivo Karlovic số 203 thế giới (6-1, (5)6-7, 3-6, 4-6). Và năm 2012 Nadal cũng gia nhập danh sách những thất bại khó tin nhất trong lịch sử Wimbledon cũng như các giải Grand Slam với thất bại trước tay vợt người Séc Lukas Rosol.
|
Ngày vĩ đại nhất trong sự nghiệp của tay vợt vô danh Lukas Rosol |
Thậm chí trận thua của Nadal tại vòng 2 Wimbledon còn được đánh giá là một trong những thất bại “thế kỷ” của Wimbledon nếu xét ở nhiều khía cạnh. Trước khi gặp tay vợt từng 2 lần vô địch Wimbledon vào các năm 2008 và 2010 như Nadal, Rosol thậm chí chưa từng vượt qua vòng loại Wimbledon và mùa giải này mới là lần đầu tiên. Tay vợt hạng 100 thế giới cũng hầu như chỉ thi đấu ở các giải Challenger Tour và Future để kiếm điểm và trong tay mới có 50 trận đấu ở các giải ATP. Nhưng trong một ngày kỳ lạ và không tưởng, Rosol đã hội tụ tất cả những gì tốt nhất ở mọi cú quả, từ những cú giao bóng có tốc độ trên 200 km/h, những cú thuận bóng bạt cực nặng và những cú trái tay hiểm hóc khiến một chuyên gia phòng ngự như Nadal cũng phải bó tay. Và khi Rosol giành liên tiếp 10 cú winner cuối cùng, bao gồm 7 cú aces và 3 trong số đó đến vào game thứ 10 trong set quyết định, tay vợt 27 tuổi đã có chiến thắng vĩ đại nhất trong sự nghiệp của mình để hạ gục Rafael Nadal tại Wimbledon.
Trận thắng của Rosol trước Nadal xứng đáng là cú sốc lớn nhất của làng banh nỉ trong năm 2012. Nhưng như huyền thoại Becker từng nói sau trận thua Doohan cách đây 25 năm: “Không ai chết ở đó và tôi chỉ thua một trận tennis.” Và những cú sốc vẫn chỉ đến trong một ngày thi đấu mà không thể tin nổi mà thôi.