Mourinho đáng lẽ ra đã trở thành HLV của gã khổng lồ xứ Catalan sau khi Rijkaard ra đi, còn Pep Guardiola có thể đã trở thành một trợ lý tin cẩn của người đặc biệt, nhưng dường như định mệnh đã chọn Mourinho sinh ra chỉ để làm đối thủ của Barcelona và Pep.
Sau 5 mùa giải gắn bó cùng HLV Frank Rijkaard với đủ ngọt bùi, mùa hè 2008 CLB Barcelona quyết định chia tay nhà cầm quân người Hà Lan. Khi đó đội chủ sân Nou Camp muốn mời Jose Mourinho về làm người chèo lái con thuyền Barca trở lại với đỉnh cao. Bài viết dưới đây sẽ đề cập đến tình hình Barca trong thời điểm đầy biến động đó, việc CLB này tiếp cận với Mourinho ra sao và cuối cùng là quyết định bổ nhiệm Josep Guardiola làm HLV trưởng của họ.
Mùa hè năm 2008 là một bước ngoặt với Barca. Sau những thành công vang dội với 2 danh hiệu vô địch La Liga liên tiếp (mùa giải 2004/2005, 2005/2006) cùng việc giành chiếc cúp Champions League danh giá lần đầu tiên kể từ năm 1992 (2005/2006), Gã khổng lồ xứ Catalan cần một khoảng lặng để suy ngẫm và nhìn lại chính họ.
Chu kỳ thành công của Barca cùng Rijkaard đã kết thúc và chiến lược gia người Hà Lan đã phải ra đi
Bởi không có đế chế nào tồn tại vĩnh cửu, cho dù có mạnh đến đâu. Barca cũng không nằm ngoài quy luật đó khi ngay lập tức sau năm 2006 ở tột đỉnh vinh quang là 2 mùa giải 2006/2007 và 2007/2008 thất bại. Cần phải có một sự thay đổi. Khi một đội bóng gặp vấn đề, HLV là người đầu tiên phải “giơ đầu chịu báng”. HLV Rijkaard, trong suy nghĩ của BLĐ Los Blaugrana, không còn thích hợp với Barca nữa. Một cuộc chia ly là điều tất yếu. Nhưng vấn đề là ai đủ khả năng để ngồi vào “ghế nóng” ở sân Nou Camp?
Trong mùa giải cuối cùng của chiến lược gia người Hà Lan ở Barca, đội bóng thậm chí chỉ xếp thứ 3 ở La Liga khi kết thúc mùa giải. Còn tại Champions League, “Gã khổng lồ” đã không thể vượt qua MU ở bán kết và một lần nữa lỗi hẹn với ngôi vô địch châu Âu. Chủ tịch Barca lúc đó là Joan Laporta được cho là phải chịu một phần trách nhiệm trước tình cảnh bi đát của CLB. Bởi lối sống có phần xa hoa của ông không thể làm gương tốt cho các cầu thủ triệu phú đã no nê danh hiệu.
Nhân vật điển hình cho sự vô kỉ luật ở Barca lúc đó là Ronaldinho, người từng là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Người dân địa phương ở bãi biển hạng sang Castelldefels đã chứng kiến Quả bóng bàng thế giới 2005 nhảy mùa ở những bữa tiệc thâu đêm, với tiếng nhạc ồn ào và rất đông người tham dự. Nó quả thật khác xa so với những gì mà người ta hình dung về một VĐV thể thao hàng đầu thế giới.
Thời điểm đó Ronnie đã không còn là chính mình – thừa cân và thi đấu kém hiệu quả. Phong độ của anh cũng trùng hợp với sự sa sút của Barca. Những người đồng đội của “Ro vẩu” là Deco và Giovani dos Santos không còn được tin dùng tại sân Nou Camp nữa, còn Samuel Eto'o thì không giữ được mối quan hệ tốt với Deco. Có thể nói Barca đang sụp đổ từ chính những viên gạch tốt nhất.
Nhà cầm quân người Hà Lan bị coi là không thể kiểm soát được những “cái tôi” đang làm loạn phòng thay đồ. Trước đây khi Barca còn có Henk ten Cate, người cộng sự đã cùng gắn bó với Rijkaard từ năm 2003, tình hình khu vực đầy nhạy cảm này đã được ổn định đáng kể. Tuy nhiên kể từ khi Ten Cate chuyển sang Ajax năm 2006, CLB xứ Catalan đã dần dần bị mất phương hướng.
Barcelona đã nhắm đến Mourinho cho chiếc ghế nóng ở sân Nou Camp
Chủ tịch Laporta biết rằng đã đến lúc phải có một sự đổi mới ở Barca. Ông thông báo Rijkaard sẽ ra đi vào tháng 5. Sau những trận đấu kém thuyết phục trên sân cỏ và tình hình rối loạn ở hậu trường, kỉ luật đội bóng cần phải được phục hồi. Và Jose Mourinho là cái tên mà BLĐ Barca cho rằng có thể giải quyết được tất cả những khó khăn mà CLB đang gặp phải.
HLV người Bồ Đào Nha đã từng có thời gian làm trợ lí cho Sir Bobby Robson và Louis van Gaal tại sân Nou Camp và cũng nhận được cảm tình từ phía những người Catalan. Tuy nhiên màn khiêu khích của Mourinho đối với Barca khi ông cùng Chelsea chạm trán Los Blaugrana ở Champions League đã khiến nhiều cule nổi giận.
Nhưng dù sao thì không ai có thể phủ nhận tài cầm quân của “Người đặc biệt”, bên cạnh đó là sự hiểu biết về CLB cũ. Mourinho được kì vọng sẽ thiết lập lại kỉ cương trật tự cho “Gã khổng lồ” như đã từng làm ở The Blues. Một điều thuận lợi nữa là Mourinho khi đó đang “ngồi chơi xơi nước” sau khi bị Chelsea sa thải và việc kí hợp đồng với cựu chiến lược gia Porto sẽ chỉ phụ thuộc vào ý muốn của chính HLV này.
Sau khi rời Barca năm 2000, Mourinho đã gây dựng được thành công tại quê nhà Bồ Đào Nha khi dẫn dắt Porto đến với cú ăn 3 ở mùa giải 2003/2004. Đặt chân đến Chelsea, ông giúp CLB phía Tây thành London giành đủ mọi danh hiệu quốc nội, chỉ còn thiếu Champions League và đó là lí do khiến cho Abramovich sa thải HLV đầy tài năng này. Mùa hè 2008, Barca đã tiếp cận với người đại diện Jorge Mendes của Mourinho.
Một cuộc gặp mặt dự định được tổ chức với sự tham dự của chủ tịch Laporta, Mourinho và Johan Cruyff. Tuy nhiên trước đó huyền thoại người Hà Lan đã nhiều lần bày tỏ sự không hài lòng của mình về triết lí bóng đá của Mourinho. Cảm thấy không thoải mái về sự hiện diện của Cruyff, người hiện không còn giữ một chức vụ chính thức nào ở Barca, Mourinho đã đặt câu hỏi: “Tại sao ông ấy lại có mặt ở cuộc gặp?”. Laporta đáp lại: “Thế tại sao ông ấy lại không nên có mặt?”
Tuy nhiên “thánh” Johan là một trong những người nhận thấy Mourinho không hề hợp với Barca
Mọi việc sau đó đã bắt đầu không suôn sẻ. Barca cử phó chủ tịch Marc Ingla tới Lisbon để phỏng vấn Mourinho. HLV người Bồ liền đưa ra một tài liệu gồm 27 trang PowerPoint để phác thảo tầm nhìn của ông, bao gồm cả cuộc cách mạng với sơ đồ chiến thuật truyền thống của Barca (muốn chuyển thành kiểu sơ đồ 4-3-3) và những nhận xét của ông về đội hình đội chủ sân Nou Camp hiện tại.
Mou muốn giữ chân cả Deco và Eto’o, nhưng ông lại cho rằng trường hợp của Ronaldinho thì cẩn phải cân nhắc kĩ. Mou dành hẳn một phần riêng trong tài liệu - có tên là “Vấn đề hay Giải pháp” - để nói về cầu thủ hay nhất thế giới 2004, 2005. Mục đích của chiến lược gia người Bồ là muốn xem xét một cách kĩ lưỡng xem liệu Barca có thể giúp Ronnie phục hồi phong độ được như 2 năm trước đó, thời điểm đỉnh cao của cầu thủ người Brazil hay không.
Cựu HLV Chelsea còn có ý định đưa cả những cộng sự trước đây của ông đến Barca, một trong số đó là HLV thể lực Rui Faria, người hiện đang làm việc tại Real Madrid cùng Mou và trợ lí Andre Villas-Boas – HLV Chelsea hiện nay. Mou cũng vạch ra kế hoạch sẽ làm việc cùng một trợ lí vốn là người của Barca, như cái cách ông gắn bó cùng với Steve Clarke ở Chelsea, Beppe Baresi ở Inter và giờ là Aitor Karanka ở Real. Ở Barca, Mou dự định sẽ làm việc cùng những cựu cầu thủ của “Gã khổng lồ” mà ông từng có dịp cộng tác trước kia: Luis Enrique, Albert Ferrer, Sergi Barjuan và Pep Guardiola.
Một trong số 4 cái tên kể trên - Guardiola - đã có mùa giải 2007/2008 thành công cùng Barca B. Pep khi đó cũng được “cơ cấu” để ngồi vào chiếc ghế HLV trưởng đội một Barca trong tương lai, nhưng ít người tin rằng nhà cầm quân trẻ tuổi này (khi đó mới 37 tuổi) lại đảm nhận chức “thuyền trưởng” Barca sớm đến thế.
Tuy còn trẻ và chưa hề có kinh nghiệm làm HLV ở một đội bóng lớn cũng như chưa từng tham dự một giải đấu lớn trên tư cách một nhà cầm quân, nhưng Guardiola lại có sự hậu thuẫn quan trọng từ Johan Cruyff – một nhân vật có tầm ảnh hưởng đáng kể ở Barca. Mou thì không có được sự ủng hộ đó. Ông thậm chí còn tỏ vẻ không hài lòng khi từ chối cuộc gặp với Cruyff theo đề nghị của Laporta.
Và Barca đã đúng khi tin vào Cruyff và lựa chọn Pep Guardiola
Mou quyết giữ phong cách sặc mùi khiêu khích khi tiếp xúc với giới truyền thông, điều này đương nhiên là đi ngược lại với mong muốn của người Catalan. Họ không muốn Mou lặp lại một “thảm họa quan hệ công chúng” như những gì Van Gaal đã làm cách đó gần một thập kỉ. Bên cạnh đó là những nghi ngờ về triết lí bóng đá mang nặng tính phòng ngự của “Người đặc biệt”, cho dù ông đã rất hăng hái nói về một Barca với phong cách tấn công “rực lửa”.
Mourinho kết thúc bài thuyết trình với câu nói: “Tôi biết Barcelona cần gì.”. Ông hi vọng kinh nghiệm làm việc trước đây tại sân Nou Camp sẽ là một “điểm cộng” cho mình, thế nhưng đối thủ cạnh tranh của Mou – Guardiola - thậm chí đã giành hết những năm tháng đỉnh cao sự nghiệp để chơi bóng ở Barca.
Pep trẻ trung, đầy khát khao chinh phục và hơn hết là ông quá hiểu Los Blaugrana. Với những gì đã cống hiến, Pep xứng đáng được coi là biểu tượng của xứ Catalan nói chung và của Barca nói riêng. Theo lời giám đốc kĩ thuật Txiki Begiristain và huyền thoại Johan Cruyff thì Pep giờ đây đã sẵn sàng để đương đầu với thử thách mới.
Cuối cùng BLĐ Barca đã quyết định bổ nhiệm Guardiola làm HLV trưởng đội một Barca. Laporta cho dù ban đầu muốn đưa Mourinho về sân Nou Camp, nhưng rồi vị cựu chủ tịch của CLB lại nghe lời những người mà ông tôn trọng và tin tưởng. “Tôi đã nói chuyện với Cruyff, người mà tôi luôn coi là một cố vấn trong nhiều trường hợp. Ông ấy bảo tôi là Pep đã sẵn sàng.” - Laporta nói. Pep đã cùng Barca chinh phục hầu hết mọi danh hiệu ở cả đấu trường trong nước lẫn quốc tế chỉ sau 3 mùa giải. Và thực tế chứng minh BLĐ Los Blaugrana đã không sai khi đặt niềm tin vào Pep.
dantri.com.vn