Hôm qua, Bộ VH-TT&DL đã ký công văn đồng ý với chủ trương thành lập công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VPF. Việc thành lập công ty đang được xúc tiến để kịp điều hành mùa giải 2012.
|
Dự kiến mùa giải 2012 sẽ được điều hành bởi VPF. Ảnh: Hoàng Hà. |
Hành trình pháp lý để VPF ra đời đã đạt được một bước tiến mới khi được Bộ VH-TT&DL chính thức nhất trí về chủ trương thành lập công ty. Công văn có ghi: “Sau khi nhận được công văn của Liên đoàn bóng đá Việt Nam, Bộ Văn hóa –Thể thao &Du lịch nhất trí với chủ trườn cho phép thành lập một pháp nhân dưới hình thức công ty cổ phần (VPF) để tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp, nhằm nâng cao chất lượng các giải, đồng thời khai thác có hiệu quả các nguồn tài chính, tăng nguồn thu để phát triển bóng đá Việt Nam.”
“Việc thành lập VPF xuất phát từ thực tiễn của bóng đá Việt Nam và sự đồng thuận cao của dư luận xã hội. VPF vẫn phải dựa trên nguyên tắc đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước với các hoạt động thể dục thể thao nói chung và bóng đá nói riêng, phù hợp với hệ thống luật pháp hiện hành, bao gồm luật TDTT, luật Doanh nghiệp, phù hợp với quy định của FIFA, AFC để đảm bảo nguồn thu cho VFF. VPF phải là một tổ chức thành viên của VFF”, công văn nêu rõ.
Sau khi có được sự nhất trí về chủ trương của Bộ VH-TT&DL, VFF sẽ hoàn thiện điều lệ công ty và trình lại Bộ xem xét thêm một lần nữa. Đây sẽ là bước ra lại lần cuối những lỗ hổng về cơ chế và pháp lý của mô hình công ty. Ngoài ra, VFF cũng phải chuẩn bị các thủ tục hành chính khác và lấy chữ ký của 24 CLB.
Để tạo điều kiện giúp VPF sớm ra đời, kịp điều hành và tổ chức giải V-League và hạng Nhất mùa bóng 2012, Bộ gửi công văn đề nghị UBND TP Hà Nội và các cơ quan chức năng tạo điều kiện giúp VFF hoàn thành các thủ tục theo quy định.
Dự kiến ngày 15/11 sẽ có quyết định thành lập VPF. Ngày 26/11, VFF sẽ tổ chức đại hội cổ động lần đầu tiên với sự góp vốn của 25 đơn vị gồm VFF, 14 CLB V-league và 10 CLB hạng Nhất. Một ngày sau đó, cuộc họp bầu nhân sự chủ chốt bao gồm chủ tịch và các thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, trưởng ban giám sát.
So với mô hình mà bầu Kiên viết ra trong vòng hai tiếng và trình bày tại Hội nghị các CLB V-League và hạng Nhất cách đây một tháng rưỡi, VPF sau khi được thống nhất về chủ trương thành lập đã có một số thay đổi. Đầu tiên là việc quản lý đội ngũ giám sát, trọng tài sẽ được giao lại cho VFF chứ không phải VPF. Ngoài ra, 10 CLB hạng Nhất cũng sẽ được góp vốn vào VPF, nâng tổng số CLB nằm trong công ty này lên tới con số 24. Tuy nhiên, tỷ lệ góp vốn 35,6% của VFF vẫn không thay đổi, đủ để duy trì quyền phủ quyết của tổ chức này. Vốn điều lệ công ty dự kiện ban đầu là 21 tỷ, nay nâng lên 30 tỷ.
Sự thay đổi này đã được VFF và các ông bầu bàn thảo. Để đạt được sự thống nhất, những kinh nghiệp học hỏi từ mô hình J-League trong dịp đội tuyển quốc gia sang Nhật Bản đá giao hữu đã được VFF đưa về Việt Nam.
Tiếp tục thu thập những bài học và kinh nghiệm thực tế từ các nền bóng chuyên nghiệp mạnh ở châu Á, đầu năm tới, đoàn đại biểu của VPF và đại diện các CLB sẽ có chuyến làm việc thực tế tại Nhật Bản và Hàn Quốc.
vnexpress.net