|
Thủ quân đội tuyển Mỹ Fred Couples (trái) chụp ảnh cùng thủ quân đội Quốc tế Nick Price (phải)
và Tổng thống Mỹ Barack Obama. |
Các tín đồ golf trên khắp thế giới đang đợi chờ trận đại quyết đấu lần thứ10 từ ngày 3-6/10 sắp tới tại sân Muirfield Village (Mỹ) giữa đội tuyển nước chủ nhà và tuyển Quốc tế. Muirfield là sân thứ 3 ở Mỹ đăng cai President Cup và là sân duy nhất trên thế giới tiếp nhận cả 3 giải đấu Cup danh giá nhất: Ryder Cup (1987), Solheim Cup (1998) và President Cup (2013).
Thế thượng phong cho phép ví tuyển Mỹ như "con hổ", bởi họ giành tới 7 chiến thắng trong lịch sử 9 trận quyết đấu, còn tuyển Quốc tế hiện tại phải bằng lòng với vị thế của "con báo" vì chỉ có một trận thắng và một trận hòa. Liệu “con báo Quốc tế” có thắng được “con hổ Mỹ” để làm nên điều diệu kỳ của golf hay không, chúng ta phải chờ thêm ít ngày nữa.
President Cup là 34 trận quyết đấu giữa tuyển Mỹ và tuyển Quốc Tế (trừ Mỹ và châu Âu). Khác với lịch sử lâu đời của Ryder Cup, President Cup ra đời năm 1994, cứ hai năm một lần, tổ chức luân phiên ở sân chủ nhà của hai đội. Năm 2001 do biến cố khủng bố 11/9, Ryder Cup bị hoãn và chuyển sang năm chẵn, đẩy President Cup tới năm lẻ kể từ 2003. President Cup là Cup duy nhất không có tiền thưởng. Các tuyển thủ được một khoản chi phí lấy từ quỹ từ thiện do President Cup tạo nên. Cho đến hôm nay quỹ từ thiện của President Cup đã vượt con số 27 triệu đô-la Mỹ với 425 lần làm từ thiện ở 18 nước.
Đấu trường và thể thức
Giống như Ryder Cup, đội tuyển President Cup của mỗi bên gồm 12 tuyển thủ. Tuy nhiên số trận đấu của President Cup là 34, nhiều hơn 6 trận so với Ryder Cup: gồm 6 trận fourball và 6 trận foursome trong các ngày thứ Năm và thứ Sáu, 5 trận fourball và 5 trận foursome vào thứ Bảy và 12 trận đấu đơn vào Chủ nhật. Vì thế đội chiến thắng cần tối thiểu 17,5 điểm. Việc tăng số trận đấu là nhằm không cho nhiều tuyển thủ được nghỉ trong các trận fourball và foursome như trường hợp năm 1999. Khi đó, đội tuyển Ryder Cup châu Âu đã không cho 3 tuyển thủ yếu nhất của mình thi đấu trong suốt các trận fourball và foursome.
Sự lựa chọn 10 tuyển thủ đầu của đội tuyển Quốc tế dựa trên bảng xếp hạng thế giới, còn tuyển Mỹ có bảng xếp hạng riêng. Hai tuyển thủ còn lại là do đội trưởng tự quyết. Ngày 4/9 vừa qua, Fred Couples (Mỹ) và Nick Price (Quốc tế) đã đưa ra các lựa chọn của mình.
Thứ tự 12 tuyển thủ của đội Mỹ năm nay là: Tiger Woods, Brandt Snedeker, Phil Mickelson, Matt Kuchar, Keegan Bradley, Jason Dufner, Steve Stricker, Bill Haas, Hunter Mahan, Zach Johnson, Webb Simpson, Jordan Spieth, trong đó 2 tuyển thủ cuối cùng là do Couples lựa chọn. 12 tuyển thủ của đội Quốc tế là: Adam Scott (Australia), Charl Schwartzel (Nam Phi), Jason Day (Australia), Ernie Els (Nam Phi), Louis Oosthuizen (Nam Phi), Hideki Matsuyama (Nhật Bản), Branden Grace (Nam Phi), Graham DeLaet (Canada), Richard Sterne (Nam Phi), Agel Cabrera (Argentina), Marc Leishman (Australia), Brendon de Jonge (Zimbabwe).
Thongchai Jaidee của Thái Lan đứng thứ 11 trong bảng xếp hạng của tuyển Quốc tế, nhưng không được đội trưởng Nick Price lựa chọn, thay vào đó là Marc Leishman (Australia, thứ 12), Brendon de Jonge (Zimbabwe, thứ 14). Việc chọn lựa tuyển thủ đồng hương Brendon de Jonge của Nick Price có thể gây nên sóng gió dư luận nếu Brendon thi đấu không thành công.
Trận quyết đấu lịch sử
President Cup năm 2003 tại Western Cape Nam Phi đi vào lịch sử bởi tính gay go gây tranh cãi, đưa đến một số đổi thay mới.
Kết thúc 34 trận đấu, hai đội hòa 17 – 17. Trận play-off giữa Tiger Wood và Enie Els sẽ quyết định sự thành bại của hai đội. Trận đấu vô cùng hấp dẫn và căng thẳng. Đến hết hố golf thứ 3 vẫn hòa, nhưng mặt trời bắt đầu lặn, và phải dừng trận đấu. Đội trưởng Jack Nicklaus (Mỹ) và Gary Player (Quốc tế) thảo luận với các tuyển thủ của mình về một kết quả hòa chung cuộc.
Nhưng đội Mỹ khẳng định sẽ giữ lại Cup ở Mỹ. Còn đội Quốc tế không đồng ý. Enie Els nói: “Nếu hòa mà đội Mỹ giữ Cup thì chúng ta hòa cũng như thua. Vậy thì tiếp tục đánh, tối cũng đánh”.
Câu nói đầy dũng khí của Els làm phấn khích mọi người. Ai cũng biết Tiger Wood lúc đó rất mạnh, trên cơ Enie Els, nhưng đấu lỗ khó mà nói trước được. Golf có lẽ là môn duy nhất người rất yếu có thể thắng được kẻ rất mạnh. Sự không nhất trí của đội Quốc tế đã nhận được sự rộng lượng của Jack Nicklaus. Ông thuyết phục đội Mỹ đồng ý với quyết định mỗi đội giữ Cup một nửa thời gian. Thực tế thì đội Quốc tế đã thua đội Mỹ ở các năm 1994, 1996. 2000, chỉ có trận thắng duy nhất năm 1998. Để một trận hòa là giải pháp tốt nhất cho tất cả, đúng với tinh thần của President Cup. Jack Nicklaus luôn là người biết hòa đúng lúc, như ông từng miễn cú gạt cho Tony Jacklin để đội châu Âu hòa ở Ryder Cup 1969, chỉ có điều khác biệt là lúc đó Cup vẫn ở lại nước Mỹ.
President Cup năm 2003 là trận hòa đầu tiên của President Cup với sự thay đổi về thể thức của các trận đấu đơn vào Chủ nhật. Trước đó, vào cuối thứ Bảy, đội trưởng hai đội phải chọn ra người đại diện của đội mình để đấu play-off trong ngày Chủ nhật nếu hòa sau 34 trận đấu. Sau 2003, điều này bị hủy bỏ. Để tránh tỷ số hòa cuối cùng của hai đội, tất cả các trận đấu đơn sẽ không được hòa sau 18 hố, mà đấu tiếp cho tới hố golf có người chiến thắng. Sau khi có một đội đạt 17,5 điểm thì các trận đấu đơn sau đó mới có thể hòa.
Các số liệu thông kê
Qua 9 lần đối đầu lịch sử, đội Quốc tế chỉ có một trận thắng duy nhất với tỷ số áp đảo 20-10 tại sân Royal Melburn (Asutralia) năm 1998, và trận hòa lịch sử năm 2003 tại Western Cape (Nam Phi), còn thì đại bại trong 7 lần. Dưới đây là bảng thống kê kết quả của President Cup kể từ khi ra đời.
Bao giờ "con báo" biến thành "Sư tử"
Ở Ryder Cup, cách biệt giữa đội tuyển Vương quốc Anh và Mỹ là quá xa. Chỉ khi châu Âu nhập cuộc mới gần xích lại và lập được sự cân bằng sau hơn một thập kỷ, để giờ đây châu Âu đang trên thế thượng phong áp đảo đội Mỹ.
Trong các cuộc đại quyết đấu như Ryder Cup và President Cup, vai trò của người cầm quân vô cùng quan trọng, phần nhiều quyết định thắng bại toàn cục. Sai lầm của David Love trong bố trí đội hình 12 trận đấu đơn ngày Chủ nhật đã dẫn đến thất bại đau đớn trên sân nhà của đội Mỹ trước châu Âu trong Ryder Cup vừa qua. Đội Mỹ đã dẫn 10 - 6 trước khi bước vào ngày đấu cuối cùng, chỉ cần lấy 4,5 trong số 12 điểm là giành chiến thắng. Nhưng thực tế họ đã để mất 8,5 trong số 12 điểm và trở thành kẻ chiến bại.
Ở President Cup cũng vậy. Thực lực đội Quốc tế hiện nay hoàn toàn không cách biệt với đội Mỹ nhưng vẫn đại bại. Tại Royal Melburn năm 2011, đội Quốc tế có nhiều cơ hội lặp lại chiến thắng lịch sử năm 1998, để tạo nên một bước ngoặt bản lề trong cán cân quyết đấu với tuyển Mỹ. Nhưng đội trưởng Greg Norman đã không làm được điều đó. Sai lầm của "Cá Mập trắng" là chọn quá nhiều tuyển thủ Asutralia vào đội Quốc tế, nhất là sự lựa chọn Robert Allenby với phong độ cực kỳ tồi tệ, mà chính đội trưởng đội Mỹ Fred Couples đã nhạo cười. Thực tế, Allenby đã thua trắng trong các trận ra quân, gây thất bại không chỉ cho cá nhân mình mà làm liên đới đến các golf thủ phải đấu đôi cùng anh trong một trận quyết đấu sinh tử.
Để có được bài học quý báu trong việc chọn tuyển thủ cho đội Quốc tế, có lẽ đội trưởng Nick Price đã tham khảo thống kê tỷ lệ thắng thua của các golf thủ trong các kỳ đối đầu đã qua.
Sau 4 lần thất bại liên tiếp gần đây, liệu Nick Price có biến "con báo" thành "Sư Tử" để mang lại chiến thắng thần diệu cho đội Quốc tế trên đất Mỹ vào tháng 10 này hay không? Đó đang là niềm ước ao của tất cả những người hâm mộ đội tuyển Quốc tế.
Châu Á - "Sư tử con mới" của làng golf thế giới
President Cup 2015 sẽ diễn ra tại Jack Nicklaus Golf Club Korea ở Dong ho, Incheon, Hàn quốc. Lần đầu tiên President Cup sẽ đặt chân đến châu Á. Một cực mới của đấu trường golf thế giới xuất hiện. Lúc đó các tuyển thủ golf của Nhật, Hàn Quốc và các nước châu Á khác có cơ hội lớn hơn được đứng trong đội tuyển Quốc tế. Cuộc quyết đấu 2015 có thể vẫn chưa mang lại thắng lợi cho tuyển Quốc tế, nhưng không nghi ngờ khả năng các tuyển thủ châu Á có thể làm cho cán cân thay đổi trong tương lai. Trọng tâm golf của thế giới đang hướng về châu Á. "Con Sư tử con" của làng golf thế giới chính là đây.