Djokovic đã vượt qua những giây phút “ngàn cân treo sợi tóc” để thắng ngược Federer không chỉ một lần.
Khả năng xoay chuyển chiến thuật
Djokovic đã bị “khớp” ngay ở đầu trận đấu khi Federer giao bóng cực tốt với 2 cú ace và kết thúc game đầu tiên mà không mất một điểm nào. Trong khi đó ngay lần đầu tiên cầm giao bóng, Nole đã mắc lỗi kép và mọi chuyện càng tệ hơn khi 9 điểm đầu tiên đều thuộc về FedEx. Rõ ràng càng chơi nhanh, Djokovic càng bị cuốn vào lối chơi “tàu tốc hành” của Federer và liên tiếp chịu trận.
Phải đến game thứ 4 trong set 1, khi đã có game thắng đầu tiên vất vả sau hai lần lợi đều, Djokovic mới thực sự bừng tỉnh. Nole không chơi nhanh như Federer mà cố gắng điều bóng bền để đặt FedEx vào “bẫy” vô hình. Số lỗi đánh hỏng của tay vợt người Thụy Sỹ tăng dần khi bị Djokovic ép trái và thực tế Federer cũng không thể dứt điểm ngay lập tức khi trái bóng không đi đúng tay hoặc nếu cố gắng dứt điểm sẽ hỏng. Đó là lúc Djokovic lấy lại ngay break ở game thứ 5.
|
Djokovic luôn lội ngược dòng ở những thời điểm khó khăn nhất |
Sử dụng tuyệt chiêu đúng lúc đúng chỗ
Mọi thông số giữa hai tay vợt có thể nói là “kẻ tám lạng, người nửa cân”. Nếu Djokovic giao bóng 1 ăn điểm nhỉnh hơn (63% và 61%) thì lại kém hơn ở giao bóng 2 ăn điểm (47% và 53%). Federer đa dạng về cả cú quả và cả chiến thuật cuối sân cũng như trên lưới thì Djokovic là phòng thủ và phản công cũng biến hóa không kém. Dù vậy những cú trái bằng 2 tay của Nole tỏ ra ổn định hơn nhiều so với cú trái bằng 1 tay của Federer.
Chắc hẳn Federer đã biết khả năng đè trái tay tuyệt hảo của Djokovic và hạn chế tối đa những tình huống ép trái bóng nảy cao. Nhưng những cú cắt cài bóng về trái tay của Nole lại được tay vợt số 1 thế giới xử lý an toàn và thậm chí phản đòn ngược về trái tay của FedEx với những cú topspin khiến đối thủ khó khăn khi trả bóng. Và sự khác biệt diễn ra ở những cú trái cứu bóng khó tin của Djokovic với khả năng “trượt băng” trên mặt sân cứng. Đó là vũ khí lợi hại để những tay vợt chơi trái hai tay như Nole khắc phục những tình huống cứu bóng trong tư thế với và cú winner giành championship-point của Djokovic là một trong số đó.
|
Những cú cứu bóng phản công bằng trái tay tuyệt đỉnh của Nole |
Chiến thắng trò chơi tâm lý
Trong những trận đấu cân bằng giữa những tay vợt trong tốp 4 thì chỉ cần một sự dao động tâm lý nhỏ cũng có thể khiến tay vợt đó thua trận. Ai có tâm lý tốt hơn ở những pha bóng mang tính chất bước ngoặt sẽ là người giành chiến thắng. Federer là tay vợt vĩ đại và luôn có tâm lý ổn định ở những trận đấu lớn nhưng không phải là tất cả. Khi có tới 2 set-point ở set thứ hai khi tỷ số là 5-4 và cầm giao bóng, thật ngạc nhiên khi Federer lại tỏ ra phung phí trong điểm số đầu tiên với cú đánh năm ăn năm thua và đưa bóng ra ngoài. Liệu có phải FedEx muốn giải quyết sớm set đấu hoặc quá tự tin vào khả năng giao bóng của chính mình?
Đó thực sự là điểm số then chốt vì khi đã cứu được một set-point, Djokovic lại tự tin hơn hẳn ở điểm số sau đó và tiếp tục khiến Federer đánh rúc lưới để cứu cả 2 set-point, trước khi buộc FedEx đánh hỏng thêm 2 điểm nữa để giành break. Thật ngạc nhiên khi điều này trái ngược với lúc Federer cứu set-point trong set 1 khi cũng bị Djokovic dẫn trước 5-4 và Nole cầm giao bóng. Tay vợt số 1 thế giới không hề nao núng và bất an, mà vẫn bình tĩnh cả trong loạt tie-break với cái đầu lạnh lùng trong từng pha bóng.
Và đôi khi chỉ cần “lạnh” trong hai đến ba pha bóng như vậy cũng đủ quyết định chức vô địch trong một trận đấu mà cả hai đều là những tay vợt đều đứng trong hàng ngũ những người xuất sắc nhất.
tinthethao.com.vn