Bốn năm trước, tay vợt hạng 130 TG lúc bấy giờ là Muller đã thắng liên tiếp 7 trận (gồm cả vòng loại) để tiến vào vòng tứ kết. Ngoài ra, còn có những tên tuổi khác tạo được tiếng vang như Nieminen (hạng 57, tứ kết 2005), Youzhny (hạng 54, bán kết 2006), Kerber (hạng 92, bán kết 2011)... Năm nay, người hâm mộ cũng đặt hy vọng vào các tay vợt ở ngoài Top 15, những người có thể hút được sự chú ý từ nhiều giới.
Milos Raonic (hạng 16 TG)
Hiện dẫn đầu ATP về hiệu suất thắng bàn khi nắm quyền giao bóng (93%) và hiệu suất thắng điểm ở lần giao bóng 1 (83%), Raonic còn xếp thứ 2 sau Isner trong danh sách các tay vợt có nhiều cú giao bóng thắng điểm trực tiếp nhất (733). Bên cạnh điểm mạnh là cú giao bóng “hủy diệt”, tay vợt người Canada còn có cú thuận tay chết người và thường chơi xuất sắc mỗi khi đối đầu với các tay vợt trong Top 10 (thắng 4, thua 5 trong mùa này).
Điều khiến Raonic chưa được mọi người đặt trọn niềm tin chính là anh trả giao bóng không hay và nhiều lúc lại quá thụ động trong các đường bóng giằng co với các tay vợt có lối chơi tốc độ. Mặt khác, xét về quá khứ thì Raonic mới chỉ có một lần lọt vào vòng 4 (Giải Úc mở rộng 2011) trong 7 lần dự Grand Slam. Tuy nhiên, nếu phát huy được những điểm mạnh và tận dụng tốt vài điểm break-point, Raonic hoàn toàn có thể tiếp tục duy trì cuộc chơi sang tuần thứ 2.
Kei Nishikori (hạng 18 TG)
Trả giao bóng, cú thuận tay, sự nhanh nhẹn và khả năng phán đoán tình huống, đó là những thế mạnh của tay vợt người Nhật Bản. Ngoài ra, Nishikori còn thể hiện được lối chơi hay mỗi khi chịu sức ép: thắng 11, thua 2 trong mùa này trong những trận đấu phải giải quyết bằng ván quyết định và sân cứng còn là mặt sân sở trường của anh. Mới đánh bại Ferrer ở Olympic và lọt vào tứ kết ở Giải Úc mở rộng hồi đầu năm, Nishikori hoàn toàn có thể lọt vào vòng 4 Giải Mỹ mở rộng như thành tích anh đã làm được 4 năm về trước.
Anastasia Pavlyuchenkova (hạng 20 TG)
Các cú đánh đầy sức mạnh sẽ là thứ vũ khí lợi hại của Pavlyuchenkova trên mặt sân cứng và mới năm trước, cô đã lần đầu tiên giành được quyền góp mặt ở vòng tứ kết Giải Mỹ mở rộng. Còn trong năm nay, kể từ sau Wimbledon, tay vợt người Nga đã thắng được 7 trận trong 10 lần chơi trên mặt sân cứng, trong đó có 5 trận thắng chỉ qua 2 ván. Dự Grand Slam lần đầu khi mới 16 tuổi, nên dù hiện mới 21 tuổi nhưng không thể nói Pavlyuchenkova là “cừu non” ở cuộc chơi lớn này. Điều băn khoăn lớn nhất chỉ là việc cô vẫn còn chơi thiếu ổn định và chưa có được sự kiên nhẫn cần có trong những thời điểm quan trọng. Tuy nhiên, nếu giao bóng tốt và phát huy được hiệu quả từ cú thuận tay uy lực sâu xuống cuối sân thì Pavlyuchenkova sẽ là đối thủ nguy hiểm cho bất cứ ai.
Mona Barthel (hạng 37 TG)
Có điều dễ dàng nhận thấy: giao bóng và cú thuận tay là 2 cú đánh “chết người” của Barthel. Tuy nhiên, khi các cú đánh bóng bay ngang với tốc độ cao không đi đúng ý đồ, Barthel lại thường rơi vào thế khó khăn và rất khó bắt lại được nhịp của cuộc chơi. Có tài nhưng ở tuổi 22, tay vợt người Đức vẫn còn phải nâng cao việc kiểm soát và sự điềm tĩnh trong việc thực hiện cú đánh. Và nếu đạt được sự ổn định cao, điều mà cô luôn thiếu, thì Barthel sẽ là mối đe dọa cho nhiều tay vợt hạt giống ở Giải Mỹ mở rộng năm nay.